Đồ Pháp Lang cốt kim loại ở cố cung Bắc Kinh

(Ngày đăng: 21/04/2020 - Lượt xem: 6041)
Đồ Pháp Lang cốt kim loại ở cố cung Bắc Kinh
 
Đồ pháp lang cốt kim loại của Trung Quốc thể hiện rõ ràng truyền thống nghệ thuật ưu việt mang phong cách dân tộc. Pháp lang đạt đến cực đẹp và quí giá như vàng ngọc do công nghệ chế tác khá phức tạp. Cách chế biến chất liệu và kỹ thuật nung rất khó nên giá thành sản xuất cao. Vì thế trong một thời gian dài pháp lang chỉ là đồ ngự dụng, chủ yếu cho hoàng gia dùng ở trong cung. Một số ít là đồ ngự tứ quí báu để hoàng đế ban cho các vương công đại thần, ít lưu truyền trong dân gian, nên hiếm khi được thấy. Cố cung được xây dựng chủ yếu về hai triều đại Minh - Thanh, còn cất giữ hơn 6.000 đồ pháp lang được chế tạo cho hoàng đế và hoàng gia sử dụng; là những sản phẩm pháp lang hiếm có trên thế gian. Đây là những hiện vật vô cùng quí giá để nghiên cứu, đánh giá và nhận thức về sự phát triển và biến đổi trong công nghệ chế tác pháp lang cốt kim loại của Trung Quốc.
 
1. Pháp lang là gì?
 
Pháp lang (珐琅), còn được gọi là phật lang (佛 郎), phất lang (拂 郎), phát lam (发 蓝), dùng kim loại oxy hóa từ các khoáng chất silic, chì, hàn the (borat), thạch anh, trường thạch… theo tỷ lệ thích hợp, rồi thêm vào một số oxide kim loại để tạo màu. Sau quá trình sấy, hỗn hợp ấy được tán mịn thành nguyên liệu màu ở dạng bột, lại dựa theo các cách làm khác nhau của công nghệ pháp lang để trát hoặc vẽ lên bề mặt cốt kim loại, rồi đem nung, tạo thành sản phẩm pháp lang. Do đồ pháp lang lấy kim loại làm cốt, nên hình thể hiện vật chắc chắn, dày và nặng, nhiều dáng vẻ. Khảo cứu công nghệ chế tác pháp lang cho thấy quy trình phức tạp, màu sắc men rực rỡ, đồ vật mịn màng quí giá, lại được các hoàng đế của hai triều Minh - Thanh coi trọng, không tiếc công sức, đã đẹp rồi còn muốn đẹp hơn nữa. Nhờ thế, chế phẩm pháp lang ngày càng hoàn thiện hơn.
 
2. Các chủng loại pháp lang:
 
Công nghệ chế tác pháp lang cốt kim loại thực ra là sự kết hợp giữa công nghệ pháp lang và công nghệ thuộc kim. Dựa vào phương pháp chế tạo và đặc điểm công nghệ, chủ yếu có thể phân thành 2 loại chính: Kháp ti pháp lang (掐 丝 珐 琅: pháp lang làm theo kiểu ngăn chia ô hộc) và Họa pháp lang (画 珐 琅: pháp lang làmtheo kiểu vẽ trên nền men như các tác phẩm hội họa)(1). Ngoài ra, bao gồm trong đó sau nàycòn có cách làm các loại: Tạm thai pháp lang (錾 胎 珐 琅háp lang có cốt được chạm trổ) và Thấu minh pháp lang (透 明 珐 琅: pháp lang có phủ lớp men trong ở bên ngoài).

Lư Kháp ti pháp lang, thời Nguyên.
 
a. Kháp ti pháp lang: Thời Nguyên gọi là Đại thực diêu (大 食 窑) hoặc Quỉ quốc khảm (鬼 国 嵌), mà người đời nay tục gọi là Cảnh Thái lam (景泰蓝). Cách làm là dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các dạng họa tiết gắn lên cốt bằng đồng, rồi trát đầy men pháp lang nhiều màu lên phần trong và ngoài các ô trang trí ấy, đưa vào lò nung đốt nhiều lần, cho đến khi bên ngoài món đồ phủ kín men pháp lam với độ dày thích hợp, thì đem mài nhẵn, rồi mạ vàng các đường chỉ đồng để hoàn chỉnh sản phẩm.


Ấm trà Họa pháp lang, niên hiệu Càn Long, thời Thanh.
 
b. Họa pháp lang: Ở Quảng Châu còn gọi là Dương từ (洋 瓷). Dùng men pháp lang một màu quét trực tiếp lên cốt kim loại, rồi căn cứ theo màu sắc thiết kế của hoa văn, dùng men pháp lang vẽ nên các họa tiết, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sau khi đưa ra khỏi lò được mài bóng để hoàn chỉnh. Trên thực tế nhiều họa tiết vẽ trên cốt đồng là nhân vật, phong cảnh với các điển tích lịch sử...
 
 
Lọ hoa, Tạm thai pháp lang, thời Thanh.
 
c. Tạm thai pháp lang: Cũng gọi là Phất lang khảm (拂 郎 嵌). Cách làm cũng giống Kháp ti pháp lang, chỉ khác ở chỗ hoa văn tô điểm bên ngoài, cùng cốt món đồ, được khắc lõm xuống khiến đường viền hoa văn nổi lên. Ở phần lõm xuống được phủ đầy men pháp lang, sau khi nung đốt, thì đem mài bóng để hoàn thiện. Các đường nổi trên đồ Tạm thai pháp lang tuy thô tháp nhưng đạt được sự trang trọng mà mộc mạc trong nghệ thuật.
 
 
Hộp Thấu minh pháp lang thời Thanh.
 
d. Thấu minh pháp lang: Cũng gọi là Quảng pháp lang (廣珐琅). Chỉ tráng men pháp lang trong suốt lên cốt bằng vàng, bạc, đồng sau khi đã được chạm nổi, khắc chìm, rồi đem nung là xong, có các màu lam, xanh, tím, vàng, cũng gọi là Thiêu lam (燒 蓝). Cốt có hoa văn chạm nổi hoặc khắc chìm, đôi khi các đường nét hoa văn chạm khắc này được thếp vàng bạc, hiện rõ xuyên qua lớp men pháp lang một màu như vàng, lục, lam, tím… Loại này lợi dụng tính chất của lớp men trong suốt (透 明) hoặc trong mờ (半 透 明)để biểu thị sự biến đổi của đồ án hoa văn do độ sáng tối, đậm nhạt mà có.
 
3. Nguồn gốc công nghệ pháp lang Trung Quốc:
 
Công nghệ pháp lang cốt kim loại của Trung Quốc lấy hai loại: Kháp ti pháp lang và Họa pháp lang làm chủ yếu. Nói chung hiện vẫn còn tàng trữ các sản phẩm Tạm thai pháp lam và Thấu minh pháp lang nhưng không nhiều. Du nhập từ phương Tây, những kỹ thuật của công nghệ này được thợ Trung Quốc tiếp thu rất nhanh, rồi theo đó làm ngay được các sản phẩm công nghệ cao, hữu dụng và mang đậm phong cách dân tộc.
 
Về vấn đề nguồn gốc của Kháp ti pháp lang, đã có người chủ trương: Ba Tư là đất phát sinh Kháp ti pháp lang, kỹ thuật đã hoàn thiện vào thế kỷ V và VI. Sau đó từ Ba Tư truyền đến A Rập và các vùng đất thuộc đế quốc Byzantine. Vậy thì nguồn gốc công nghệ Kháp ti pháp lang của Trung Quốc có từ khi nào? Lịch sử không ghi rõ. Đa số các học giả, các nhà lịch sử mỹ thuật trong và ngoài Trung Quốc đều cho rằng công nghệ Kháp ti pháp lang từ A Rập truyền vào Trung Quốc dưới thời Nguyên. Chứng cớ để xác quyết điều này là Đại Thực diêu. Sử liệu ghi rõ: Đại Thực là tên gọi vùng đất A Rập - Tây Á của Trung Quốc vào thời Tống - Nguyên, đồng thời có mối giao thương mật thiết. Trong Cách cổ yếu luận của Tào Chiếu vào năm Hồng Vũ thứ 21 thời Minh từng nói đến Đại Thực diêu. Nguyên văn là: “Dùng đồng làm phần cốt, dùng thuốc nung thành muôn màu, Phật lang khảm cũng tương tự. Thường thấy các loại lư trầm, bình hoa, hộp, chén... nhưng chỉ dùng trong giới phụ nữ khuê các, không phải vật trang trí trong văn phòng của sĩ đại phu, còn gọi là Quỷ quốc diêu”. Về sau, Vương Tá nói thêm: “Hiện nay người Vân Nam ở kinh đô làm nhiều chén rượu, tục gọi là Quỷ quốc khảm, chén làm cho Nội phủ thật tinh xảo bóng láng”. Đoạn ghi chép này đã trình bày khá cụ thể đặc điểm, mẫu mã, đối tượng sử dụng, nơi chế tạo cùng tên riêng. Đặc điểm công nghệ này trùng hợp với công nghệ Kháp ti pháp lang ngày nay. Vì thế, Đại Thực diêu đã được phần lớn học giả xác nhận là đồ Kháp ti pháp lang cốt kim loại.
 
Ngô Uyên Dĩnh thời Nguyên ngợi khen đồ Đại Thực diêu qua bài thơ Đại Thưc bình: 
 
Tây nam hữu Đại Thực 
Quốc tự Ba Tư truyền
Tư nhân tối giải bảo
Quyết thổ thiện đào diên
Tố bình nhất nhị xích 
Kim bích xán tương tiên
Tinh huỳnh long cung hiến
Thác lạc quỷ phủ thuyên
Túc văn khởi điểm xuyết
Hoa liên bàn uyển diên... 
 
 
Nghĩa là: 
 
Tây nam có Đại Thực
Truyền từ nước Ba Tư
Nơi đó xem rất quí
Lại khéo nhồi nung đất
Bình cao một hai thước
Thân vàng mà sáng chói
Óng ánh long cung hiến
Xen lẫn thật tuyệt tác
Tô điểm các hoa văn
Nhiều hoa uốn quanh co... 
 
Bài thơ Đại Thực bình này đã miêu tả khá cụ thể kích thước, màu sắc, hình dáng, hoa văn... của bình; nói rõ đây là đồ vật truyền từ Ba Tư (tức hiện nay là vùng đất Iran, Afganistan). Vì Kháp ti pháp lang lúc đó từ vùng đất A Rập truyền đến Trung Quốc, nên gọi Kháp ti pháp lang là Đại Thực diêu hoặc Quỷ Quốc khảm.
 
Công nghệ Kháp ti pháp lang của vùng đất A Rập có thể truyền sang phương Đông đến Trung Quốc, phải có mối quan hệ với việc chinh Tây của quân Nguyên Mông. Vào nửa sau thế kỷ XIII, quân Nguyên Mông viễn chinh vượt qua đại lục Âu - Á. Người Mông Cổ với kinh tế lạc hậu đã coi trọng nghệ nhân ở những vùng phát triển; nên chiếm đoạt nghệ nhân ở những vùng đất họ thống trị mà mở rộng công trường để phát triển ngành thủ công nghiệp của mình. Khi cất quân đánh nước Đại Thực, mỗi khi công hãm thành trì, quân Mông Cổ chém giết hàng loạt, chỉ những nghệ nhân, nhờ có tay nghề nên thường thoát chết và bị biên chế thành các đội; hoặc thưởng cho con, cho vợ, cho các tướng lĩnh; hoặc đưa đi làm việc trong các doanh trại quân Mông Cổ; hoặc đưa về Mông Cổ. Chính sách “chỉ có thợ là được khỏi chết” được ghi chép trong điển chương đời Nguyên. Sự lệ cụ thể này cũng thấy khá nhiều trong phần Liệt truyện của Nguyên sử. Những nghệ nhân đời Nguyên đương thời phần lớn thuộc các dân tộc theo Hồi giáo ở vùng A Rập, vốn nổi tiếng về kỹ thuật tinh xảo chế tạo Kháp ti pháp lang. Vì thế trong số nghệ nhân đó không thiếu gì cao thủ chế tạo Kháp ti pháp lang.
 
Nhờ vũ lực nhà Nguyên đã từng xâm chiếm vùng đất bao gồm Afganistan và Iran. Thời kỳ đầu có một con đường chinh phạt gồm thâu cả dải đất từ Iran đến Vân Nam, Đại Lý. Phân tích kỹ thuật làm Đại Thực diêu, cho thấy nghề này có thể truyền vào Vân Nam trước tiên. Thợ làm pháp lang ở Vân Nam đến kinh đô mưu sinh đã đem theo kỹ thuật làm pháp lang đến nơi này. Vì thế, Cách cổ yếu luận đã viết: “Nay người Vân Nam sống ở Kinh làm nhiều chén rượu”. Người Vân Nam có kỹ thuật làm Đại thực diêu không thể không có liên quan đến con đường chinh phạt này. TrongVạn Lịch dã địch biên, Thẩm Đức Phù, khi đề cập đến đồ sơn dầu, đã viết: “Đầu đời Minh thợ vùng Điền (Vân Nam) đầy Nội Phủ, nay các công việc coi sóc kho cung ứng đồ ngự dụng đều giao con cháu của họ”. Trong đó phải có thợ pháp lang ở Vân Nam. Có thể, phương pháp chế tác “lấy đồng làm thân, dùng thuốc nung thành muôn màu” này cũng được truyền đến Vân Nam từ Ba Tư. Năm 1252, Hốt Tất Liệt phụng mệnh đến Vân Nam, năm sau thu phục Nam Chiếu, quốc đô của Đại Lý, rồi đem dân chúng đầu hàng người Hồi tặng cho bá quan. Trong Mã khả Ba la hành ký từng đề cập đến Giáp Xích (Côn Minh): “Thương nhân, công nhân rất đông, gồm nhiều sắc dân, có tín đồ Hồi giáo, Phật giáo…”. Những hàng binh bị người Mông Cổ tây chinh bắt về, hầu như đều là nghệ nhân, theo lẽ thường, trong số đó ắt cũng có thợ làm pháp lang. Có thể hình dung rằng thợ A Rập không chỉ đem đến kỹ thuật nung chế đồ pháp lang, mà còn mang theo men để chế tạo đồ pháp lang. Cho nên những sản phẩm pháp lang do thợ từ Ba Tư chế tác đầu tiên đạt đến trình độ rất cao. Có lý do để cho rằng những sản phẩm Kháp ti pháp lang cốt đồng óng ánh, bóng láng của giai đoạn mở đầu này, được chế tác vào cuối đời Nguyên, đã sử dụng men pháp lang nhập khẩu, dưới chỉ dẫn của nghệ nhân gốc A Rập. Song những sản phẩm Kháp ti pháp lang hiện còn khá nhiều là từ thời Minh để lại. Sớm nhất có ghi niên hiệu Tuyên Đức, tiếp đến là các niên hiệu: Cảnh Thái, Gia Tĩnh, Vạn Lịch. Ngắm Kháp ti pháp lang đời Tuyên Đức thấy đã hoàn toàn dân tộc hóa, không còn lưu lại phong cách của A Rập. Kháp ti pháp lang thời Thanh được sự cổ vũ của vua Khang Hi và vua Càn Long đã có bước phát triển lớn và đạt đến đỉnh cao. Những nơi sản xuất là Bắc Kinh, Dương Châu, Quảng Châu và Cửu Giang.
 
Họa pháp lang truyền từ Âu châu vào Trung Quốc khoảng đầu thế kỷ XVII, chính thức lưu hành sau thế kỷ XVIII. Đồ họa pháp lang của Trung Quốc còn lưu lại tương đối nhiều, sản phẩm có niên đại sớm nhất thuộc đời Khang Hi. Đến nay vẫn chưa phát hiện được những sản phẩm có niên đại sớm hơn. Tạm thai pháp lang, còn gọi là Phật lang khảm mà trong sách Cách cổ yếu luận chép:Đại thực diêu (tức Kháp ti pháp lang) tương tự với Phật lang khảm, chính là Tạm thai pháp lang. Hai loại này cơ bản tương đồng về công nghệ kỹ thuật, chỉ khác nhau lúc khởi đầu, nếu không quan sát kỹ càng khó phân biệt được sản phẩm thuộc loại nào. 
 
Tạm thai pháp lang bắt nguồn từ Âu châu. Bảo tàng hoàng gia Scotland ở nước Anh hiện đang trưng bày một số sản phẩm Tạm thai pháp lang của Âu châu làm vào thế kỷ XII và XIV. Công nghệ thể hiện nơi các món đồ này tương đối hoàn thiện, chứng tỏ công nghệ này đã phát sinh trước thời kỳ đó. Như vậy đồ Tạm thai pháp lang du nhập vào Trung Quốc phải có mối liên hệ với hoạt động quân sự của Mông Cổ. Rất có thể lúc chinh Tây, quân Mông Cổ đã bắt những nghệ nhân Tạm thai pháp lang ở Âu châu đưa về Trung Quốc, tiến hành sản xuất và truyền thụ công nghệ, chủ yếu sản xuất ở Quảng Châu. Ngoài Dương Châu, ở Bắc Kinh, Tạo biện xứ trong điện Dưỡng Tâm cũng có sản xuất pháp lang, nhưng chỉ sản lượng ở Quảng Châu là nhiều.
 
Công nghệ Thấu minh pháp lang theo truyền thuyết do nghệ nhân Italia phát minh vào thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XIV và XV phát triển mạnh mẽ. Trong những đồ vật còn cất giữ ở Trung Quốc, chưa phát hiện được những món đồ Thấu minh pháp lang niên đại sớm. Hiện còn giữ một số sản phẩm làm tại Quảng Châu vào đời Càn Long, tục gọi là Quảng pháp lang. Đó chính là Thấu minh pháp lang của Trung Quốc. Ngoài ra, thủ thuật làm Ngân thiêu lam tương tự với Thấu minh pháp lang, nên đó cũng là một loại Thấu minh pháp lang. 
 
Công nghệ pháp lang sau khi truyền vào Trung Quốc, lập tức bén rễ trên vùng đất nghệ thuật này và nhanh chóng dân tộc hóa, trở thành sản phẩm kỹ nghệ mới của hai triều Minh - Thanh. 
 
4. Phong cách và đặc điểm đồ Kháp ti pháp lang thời Minh:
 
Tư liệu ghi chép sớm nhất về đồ pháp lang cốt kim loại của Trung Quốc đã in thành sách, hiện chỉ thấy Cách cổ yếu luận, in vào năm Hồng Võ thứ 21 đầu thời Minh. Sách này ra đời chỉ cách năm cuối thời Nguyên 21 năm, cho nên phần lớn nội dung trong sách chủ yếu bắt nguồn vào thời kỳ cuối thời Nguyên. Đồ Đại Thực diêu chép trong sách, thông thường gọi là đồ Kháp ti pháp lang cốt đồng. Căn cứ vào hiện vật tồn trữ và văn bản ghi chép để chứng thực, việc sản phẩm Kháp ti pháp lang đã xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối thời Nguyên, đúng là phù hợp với thực tế. Xem một số sản phẩm Kháp ti pháp lang không ghi niên đại hiện tồn trữ tại Cố cung Bắc Kinh, thấy trong chất men có sắc màu thuần chính, óng ánh, trong suốt; có cảm giác như thủy tinh; đặc biệt là các màu men xanh nước biển, tím nho và vàng đậm, hiệu quả thấu suốt rất rõ ràng. Loại men này có đặc điểm riêng biệt, đem so với đồ Kháp ti pháp lang đời Minh Tuyên Đức và các sản phẩm có ghi niên đại của các triều Minh - Thanh sau này, đều khó đạt đến trình độ như thế. Những món đồ Kháp ti pháp lam như chén rượu 3 chân quai hình con thú(2) vàchiếc đỉnh trầm vẽ hoa sen liên hoàn…(3) tàng trữ tại Cố cung trước đây, màu sắc, chất lượng đều có đặc điểm riêng biệt của loại men nói trên, đúng là sản phẩm làm vào cuối thời Nguyên. Vì thế có nhiều chuyên gia, học giả cho rằng những sản phẩm Kháp ti pháp lang cốt đồng trong suốt óng ánh này là sản phẩm chế tạo vào cuối triều Nguyên dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân A Rập, sử dụng men pháp lang nhập khẩu. Phong cách, họa tiết và hình dáng của những sản phẩm pháp lang này phần lớn đều làm dựa theo hình thức nghệ thuật của Trung Quốc, đồng thời mang đậm phong cách A Rập. 
 
Những sản phẩm pháp lang cốt đồng còn lại từ thời Minh gồm có hai loại: Kháp ti pháp lang và Tạm thai pháp lang. Khảo cứu những sản phẩm pháp lang cung đình hiện còn lưu giữ được, những món đồ Kháp ti pháp lang có ghi niên đại nhà Minh, chỉ thấy có bốn triều: Tuyên Đức, Cảnh Thái, Gia Tĩnh và Vạn Lịch. 
 
Đồ Kháp ti pháp lang niên đại Tuyên Đức đường nét phóng khoáng linh hoạt, họa tiết tao nhã sống động, không hề thua kém các sản phẩm pháp lang cuối đời Nguyên đầu thời Minh. Những sản phẩm có ghi niên đại Tuyên Đức này đã cung cấp những yếu tố để có thể nhận biết đặc điểm phong cách của đồ Kháp ti pháp lang cốt kim loại đời Tuyên Đức. Số lượng đồ Kháp ti pháp lam thời kỳ này còn tồn trữ khá nhiều, loại chủ yếu được sản xuất là đồ dùng hằng ngày như chén, bát, dĩa, hộp, bình, khay… Đặc điểm là thân cốt dày nặng, phần lớn dùng men màu lam nhạt làm nền, dùng các men màu huyết gà, xanh ngọc, trắng xà cừ, xanh nước biển, xanh lục, tím, vàng đậm vẽ thành những đồ án triền chi hoa hủy (hoa cỏ uốn quanh), vân long hí châu (rồng mây giỡn ngọc). Màu men pháp lam đậm đà, men phủ đều đặn, bề mặt sáng tỏ. Cũng có một loại màu men hơi xám, nung đốt không kỹ càng nên màu men chưa trong. Cái hộp(4) Kháp ti pháp lang có hình rồng mây niên đại Cảnh Đức, hiện tàng trữ tại Bảo tàng Anh quốc, hoàn toàn bằng men pháp lang, trang trí hình long vân hí châu, sắc màu tươi đẹp; bên hông có khảm 8 chữ Đại Minh Tuyên Đức ngự dụng giám tạo. Trên sản phẩm pháp lam ghi rõ Ngự dụng giám tạo (chế tạo cho vua dùng), chỉ riêng điều này đủ thấy quí báu rồi.
 
Sản phẩm Tạm thai pháp lang của Trung Quốc được biết đến sớm nhất từ trước đến nay là một hộp tròn nhỏ hiện lưu giữ tại Cố cung, cốt chạm khắc họa tiết hoa sen liên hoàn(5) trên mặt và thân hộp, hiệu đề Tuyên Đức niên chế theo kiểu chữ triện. Nét chạm thô, bố cục họa tiết đơn sơ tự nhiên, bố trí đầy hoa, hoàn toàn dùng lớp men mỏng màu lam làm nền. Lớp men nền mỏng, màu nhạt, có thể nhìn xuyên qua lớp men phủ trong mờ, không giống như những món đồ Kháp ti pháp lang. Đó là món đồ Tạm thai pháp lang ngự dụng (chế tạo để vua dùng trong nội cung) có niên đại sớm nhất được phát hiện.
 
Số lượng Kháp ti pháp lang có ghi hiệu đề Cảnh Thái niên chế hiện tồn trữ tương đối nhiều. Nhưng trong những sản phẩm pháp lang Cảnh Thái niên chế này lẫn lộn với những sản phẩm giả cổ khắc niên đại Cảnh Thái, đồng thời cũng lẫn lộn với đồ pháp lang thời Thanh làm phỏng theo đồ Cảnh Thái niên chế. Chưa thấy những sản phẩm Kháp ti pháp lang ghi niên đại của bốn triều Thiên Thuận, Thành Hóa, Hoằng Trị, Chính Đức sau triều Cảnh Thái. Dưới triều Gia Tĩnh, công nghệ về mỹ thuật đã hiện vẻ phồn thịnh mới, nhưng việc chế tạo sản phẩm Kháp ti pháp lang lại không tiến triển. Hiện chỉ phát hiện được chiếc đĩa hoa văn long vân, hiệu đề Đại Minh Gia Tĩnh niên chế. Đĩa này có thể coi là vật tiêu biểu cho thời kỳ đó. Xem xét những sản phẩm Kháp ti pháp lang đời Gia Tĩnh thấy nét chạm khảm hơi thô nhưng phóng khoáng, màu sắc rực rỡ, toàn thể đặc điểm phong cách rất giống với sản phẩm pháp lang đời Vạn Lịch, có thể xem là cùng một phong cách.
 
Kháp ti pháp lang đời Vạn Lịch có phong cách nghệ thuật và kỹ xảo công nghệ phát triển, thay đổi so với pháp lam của triều Gia Tĩnh trước đó. Thân cốt hiện vật xem ra có phần nhẹ hơn, hình dáng mẫu mực, mặt men trơn láng, ít rỗ hơn, song nét khảm hơi qua loa, họa tiết rườm rà, hay dùng thủ pháp “đường móc kép”(6) để biểu hiện những cành cây cùng hoa lá nhỏ. Những món đồ dùng thủ pháp khảm “đường móc đơn”(7) với kiểu thức trang trí hoa lá bao quanh đóa hoa lớn đã giảm thiểu rõ ràng. Loại họa tiết vẽ long phụng, hải mã, những con thú tốt lành ngụ ý cát tường gia tăng nhiều. Cũng có một ít sản phẩm vẽ đề tài sơn thủy, nhân vật, điển tích xưa. Nói chung, phong cách hoàn toàn tương tự với đồ men bóng cùng thời kỳ. Đồ pháp lang triều Vạn Lịch với lớp men nền mỏng, gam màu nhạt gia tăng rất rõ; thường sử dụng loại men ngũ sắc gồm: đỏ, lam, trắng, vàng, xanh để trang trí họa tiết, màu sắc tươi sáng, trông rất rực rỡ.
 
5. Hiệu đề trên đồ pháp lang thời Minh:
 
Sản phẩm pháp lang có ghi hiệu đề(8) thuộc thời Minh chỉ thấy có 4 triều đại: Tuyên Đức, Cảnh Thái, Gia Tĩnh, Vạn Lịch, tổng cộng hơn 130 món. Hiệu đề đời Tuyên Đức nằm ở một phần của món đồ. Có hai cách khắc ghi hiệu đề là dùng men pháp lang thể hiện trên món đồ rồi đem nung; hoặc chạm khắc lên cốt đồng của hiện vật. Phần lớn hiệu đề ghi ở đáy vật, gồm 3 loại hiệu đề: Tuyên Đức niên chế, Đại Minh Tuyên Đức niên chế và Đại Minh Tuyên Đức ngự dụng giám tạo, đa phần theo thể chữ khải, cũng có khi theo thể chữ lệ hay chữ triện. Hiện vật có hiệu đề Đại Minh Tuyên Đức ngự dụng giám tạo nêu rõ vật này do Nội phủ triều Minh, nơi chuyên làm đồ ngự dụng cho hoàng gia, chế tạo.
 
Trong những đồ Kháp ti pháp lang đang lưu trữ tại Cố cung, hiện vật ghi niên hiệu Gia Tĩnh chỉ thấy có chiếc đĩa hoa văn long phụng, dưới đáy khắc chìm hiệu đề Đại Minh Gia Tĩnh niên chế. Đĩa này mua của tư nhân vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Do chiếc đĩa này khai quật từ lòng đất nên lớp men pháp lang và mạ vàng trên dĩa bị đất ăn mòn trầm trọng. Sản phẩm này là vật duy nhất có ghi niên đại Gia Tĩnh, thuộc vào loại quí hiếm. Hiệu đề của những món pháp lam triều Vạn Lịch rất đặc biệt, phần lớn đều ở giữa đáy của hiện vật, dùng hoa văn mây như ý bằng men màu tạo hình chữ nhật trong khung nền men xanh, ghi 4 chữ Vạn Lịch niên tạo hoặc 6 chữ Đại Minh Vạn Lịch niên tạo. Hiện cũng thấy đồ pháp lang đời Vạn Lịch đổi làm đồ Cảnh Thái, nhưng vẫn còn lưu lại khung của hiệu đề cũ.
 
Đồ Kháp ti pháp lang cốt đồng đời Cảnh Thái hiện lưu truyền tương đối nhiều, chỉ riêng Cố cung còn lưu giữ hơn 100 hiện vật, với nhiều kiểu chữ và hiệu đề khác nhau. Sử sách luôn tán dương đồCảnh Thái lam. Trong Thiên phủ quảng ký của Tôn Thừa Trạch đã viết: “Pháp lang ngự tiền đời Cảnh Thái có nghệ thuật sánh ngang với đồ chạm sơn son của Quả Viên xưởng triều Vĩnh Lạc, lư đồng triều Tuyên Đức, đồ sứ màu triều Thành Hóa”. Tựa hồ đồ pháp lang vào đời Cảnh Thái ở giai đoạn phát triển rực rỡ. Trên thực tế, hoàng đế Chu Kỳ Ngọc chỉ tại vị 7 năm dưới niên hiệu Cảnh Thái, lo lắng trong ngoài không dứt(9) năm này qua năm khác, tài lực trong nước suy bại, không thể có đủ sức để chế tạo nhiều đồ pháp lang như vậy. Với việc nghiên cứu chuyên sâu, chúng tôi phát hiện khá nhiều đồ pháp lang hiệu đề Cảnh Thái niên chế, nhưng thực ra là đồ cổ từ thời Nguyên hoặc đầu thời Minh lưu lại, đã được kết hợp nung, ghép, vá, rồi sửa đổi hiệu đề, gia công làm mới mà thành. Cũng có một số đồ pháp lang ghi hiệu đề Cảnh Thái niên chế nhưng do người đời sau, vì mộ danh Cảnh Thái, mà phỏng chế và thay đổi hiệu đề. Theo ghi chép của sách Tạo biện xứ các tác thành tố hoạt kế Thanh đương: Ngày mồng 4 tháng 2 năm Càn Long thứ 32 (1767), gấp gáp mở thêm Tứ Đức, Ngũ Đức, thái giám Hồ Thế Kiệt truyền chỉ: “Đa Bảo Cách phỏng theo kiểu cổ làm 1 bình kháp ti pháp lang, 1 bảo bình, 1 lọ, nhưng phải khắc nổi thành niên hiệu Đại Minh Cảnh Thái”. Tư liệu này cho thấy thời Thanh phỏng làm pháp lang Cảnh Thái là việc bình thường, khiến việc nhận biết Kháp ti pháp lang thêm rắc rối.
 
6. Phát triển công nghệ pháp lang đời Khang Hi:
 
Công nghệ chế tạo đồ pháp lang thời Thanh dựa trên sự tiến triển vững chắc có từ thời Minh, đến đời Khang Hi đã phát triển toàn diện, sang đời Càn Long đạt đến phồn vinh và rực rỡ chưa từng có trong lịch sử. Công nghệ chế tạo pháp lang thời Thanh phát triển như vậy nhờ sự cổ vũ giúp đỡ của hai ông vua Khang Hi và Càn Long, là những người học vấn rộng, tài năng nhiều, khéo tiếp thu văn hóa bên ngoài cùng quan điểm mới mẻ.
 
Triều đại Mãn Thanh sau khi thành lập đến đời Khang Hi không chỉ củng cố chính quyền mà còn phát triển kinh tế. Công nghệ mỹ thuật sau thời kỳ đình trệ vào giai đoạn cuối Minh đầu Thanh đã được phục hưng, nhất là sau khi bãi bỏ việc cấm vận đường biển, mở mang xuất khẩu hàng hóa vào năm Khang Hi thứ 23 (1684). Vì thế, văn hóa nước ngoài cùng công nghệ mỹ thuật của châu Âu đã du nhập vào trung nguyên cũng như vào tận chốn cung đình. Triều đình mở rộng cửa để kiến thức mới, kỹ thuật mới cùng nguyên liệu mới dễ dàng du nhập, tạo thành cục diện cực thịnh, kéo dài hơn trăm năm không suy thoái. Đặc biệt, về mặt công nghệ, thời đó các sản phẩm gia công kim loại, pháp lang, thủy tinh... đều du nhập vào Quảng Châu trước tiên, rồi tiến cống vào nội cung và chuyển vận sâu vào nội địa. Trong số những kỹ thuật công nghệ của phương Tây du nhập vào Quảng Châu có Họa pháp lang. Kỹ thuật tiên tiến của phương Tây du nhập vào không chỉ thúc đẩy công nghệ pháp lang ở Quảng Châu phát triển nhanh chóng, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc chế tạo sản xuất pháp lang trong cung. Sau khi Họa pháp lang truyền vào Quảng Châu, nó không chỉ được chế tác ở địa phương này, mà về sau, tổng đốc Lưỡng Quảng còn tuyển mộ nghệ nhân chế tác pháp lang đưa vào phục vụ ở trong ngự xưởng của triều đình. Họ đem kỹ thuật phương Tây vào chốn cung đình, cùng với những nghệ nhân làm đồ pháp lang ở Tạo biện xứ thuộc nội cung tham gia chế tác Họa pháp lang. Từ năm Khang Hi thứ 19 (1680), triều đình nhà Thanh đã thiết lập xưởng chế tác pháp lang ở trong cung,(10) chuyên làm đồ pháp lang ngự dụng dùng trong nội cung.
 
a. Kháp ti pháp lang:
Từ những sản phẩm pháp lang còn cất giữ tại Cố cung, có thể thấy được những đặc điểm của pháp lang cung đình triều Khang Hi: 
 
- Một là, sản phẩm Kháp ti pháp lang vào đầu đời Khang Hi biểu hiện sự nung chế chưa hoàn toàn thành thạo; các sản phẩm phần nhiều bé nhỏ; qui cách đều dùng cốt đồng; vẫn thường dùng men lam làm nền, nhưng men màu lam hơi nhạt, thô nhám, u ám, chưa thật trong sáng. Ngoài ra, màu sắc cũng không thuần nhất, bề mặt men cũng không nhẵn mịn, nhiều chỗ lồi lõm không đều, biểu hiện những khiếm khuyết trong kỹ thuật nung tạo, cũng như sự thiếu thành thạo trong việc phối chế men. Nhưng sản phẩm loại này có đường khảm mảnh mai, đều đặn uyển chuyển; màu sắc loại men này khô, thiếu sáng bóng. Đặc điểm đường khảm mảnh mai uyển chuyển chính là đặc trưng rõ ràng của Kháp ti pháp lang đầu đời Khang Hi.
 
- Hai là, sản phẩm Kháp ti pháp lang vào giai đoạn hoàn thiện (tức thời kỳ giữa và cuối) triều Khang Hi đã hiện rõ sự trơn láng và thuần nhất của men pháp lang, triệt để cải biến vẻ u ám và thô nhám của giai đoạn đầu tiên. Hơn nữa, sản phẩm có màu sắc thuần nhất, men phủ khắp, bề mặt phẳng bóng, ít có lỗ rỗ. Họa tiết dùng kỹ thuật khắc hai đường liền nhau,(11) đường khảm mảnh mai uyển chuyển, biểu hiện được đặc điểm của Kháp ti pháp lang vào giai đoạn hoàn thiện của triều Khang Hi.
 
b. Họa pháp lang:
Sản phẩm Họa pháp lang sớm nhất hiện còn ở Trung Quốc thuộc đời Khang Hi.
 
Vào đời Khang Hi, trong cung thiết lập Pháp lang tác, thử nghiệm chế tác Họa pháp lang. Sản phẩm Họa pháp lang ở giai đoạn này thường là đồ nhỏ, men tương đối dày. Đặc điểm nổi bật là chất liệu men không tốt, trên mặt men lỗ rỗ dày đặc, xỉn màu, khô xám. Hiện tượng này chứng tỏ rằng, có thể, việc chế tạo Họa pháp lang thời kỳ đầu chưa được thành thạo. Họa tiết vẽ trên hiện vật đều là phong cảnh sơn thủy, nhân vật, hoa cỏ, rất ít sản phẩm có phong cách Âu châu. Công nghệ Họa pháp lang vào cuối đời Khang Hi dần dần hoàn thiện. Nghệ nhân là những người có tay nghề cao đến từ khắp nơi trong nước, khoảng mười mấy người, như Phan Thuần, Dương Sĩ Chương đến từ Quảng Châu, Tống Khiết đến từ Giang Tây. Cũng có những giáo sĩ truyền đạo đến từ nước ngoài như Mã Quốc Hiền, Lang Sĩ Ninh... Hoàng đế còn ban lệnh cho mời các họa sĩ ở nội cung tham gia chế tạo Họa pháp lang. Thân cốt của Họa pháp lang vào thời kỳ sau so với thời kỳ đầu thì mảnh và nhẹ, không còn dày nặng như trước, chủng loại cũng tăng nhiều, men pháp lang có nâng cấp, bọt khí ít hoặc gần như không có. Bề mặt sản phẩm trơn láng, óng ánh. Có những món đồ không có chút nào khiếm khuyết. Màu sắc cũng gia tăng, sắc màu tươi và đẹp hơn, kỹ thuật nung đốt cũng cải tiến. Do vậy sự hoàn thiện của công nghệ Họa pháp lang triều Khang Hi đã đặt nền móng vững chắc cho công nghệ Họa pháp lang thời Thanh. Chiếc đĩa Họa pháp lang vẽ hoa củ ấu,(12) niên đại Khang Hi là vật tiêu biểu cho giai đoạn này. Hình dáng mẫu mực, hình hoa được phác họa chấm phá, tạo nét đậm nhạt, sử dụng hơn mười màu sắc: vàng, lam, tím, trắng, xanh nhạt, lam nhạt, đỏ, lục nhạt, đen. Pháp lang trơn bóng, màu sắc trang nhã, óng ánh. Dưới đáy phủ men pháp lang trắng, vẽ hai đường khung, có hiệu đề Khang Hi niên chế bằng màu lam, viết thành 2 dòng theo lối chữ khải. Sắc men pháp lang vào thời kỳ hoàn thiện thì tươi sáng đẹp đẽ, rất được vua Khang Hi ưa chuộng. Nhìn chung, những sản phẩm xinh đẹp, tinh xảo phần lớn đều là đồ Khang Hi niên chế.
 
7. Sản phẩm pháp lang đời Ung Chính: 
 
Đời Ung Chính, Pháp lang tác trong cung hiếm khi chế tạo Kháp ti pháp lang. Trước mắt, hiện chưa phát hiện sản phẩm Kháp ti pháp lang nàoghi niên hiệu này. Dựa vào sổ sách ghi chép ở Tạo biện xứ thời kỳ này, không thấy ghi hoạt động ở Pháp lang tác, nhưng có ghi chép việc chế tạo Kháp ti pháp lang cùng việc phỏng chế Cảnh Thái pháp lang bình. Phải nghiên cứu sâu điều này, mới phân biệt được sản phẩm Kháp ti pháp lang đời Ung Chính.
 
Công nghệ Họa pháp lang đời Ung Chính dựa trên mẫu mực hoàn hảo vào cuối thời kỳ Khang Hi mà hoàn thiện hơn nữa. Phủ tổng đốc Quảng Đông vẫn tiếp tục tuyển các nghệ nhân Họa pháp lang bậc thầy vào làm việc ở Tạo biện xứ trong điện Dưỡng Tâm.So với triều Khang Hi, màu men Họa pháp lang dưới triều Ung Chính phong phú hơn. Hơn 20 loại men pháp lam nội hóa, cùng nhiều loại men nhập khẩu xuất hiện, nhiều sắc màu cũng như phương pháp thể hiện vào đời Khang Hi chưa có. Việc thường hay dùng màu đen làm màu nền cho sản phẩm để làm nổi bật các họa tiết hoa văn; việc tìm ra nghệ thuật làm cho men bớt sáng bóng, đã hình thành nên đặc trưng về men màu pháp lang đời Ung Chính. Vua Ung Chính chỉ tại vị 13 năm, nhưng thực sự có vai trò trong việc kế tục và phát triển kỹ nghệ chế tạo Họa pháp lang. Chủng loại và chất lượng sản phẩm Họa pháp lang đều đạt đến mức độ cao. Loại men màu tự chế mới đã làm màu sắc thêm phong phú và tươi sáng hơn. Đồ pháp lang hình dáng nhỏ mang nhiều hình dáng đặc biệt. Các kiểu như: lỗ thức hồ, đào thức tẩy, bát bảo pháp lang... là những kiểu dáng hiếm thấy ở thời kỳ trước. Họa tiết trang trí gồm hoa cỏ, chim muông, côn trùng, nét vẽ linh hoạt. Phần lớn hiệu đề Ung Chính niên chế ghi ở đáy hiện vật, viết kiểu chữ khải, dùng hai màu lam và đỏ, mô phỏng hiệu đề theo kiểu chữ đời Tống. 
 
8. Sự phồn vinh của công nghệ pháp lang đời Càn Long:
 
a. Kháp ti pháp lang:
 
Vào triều Càn Long, việc nung tạo Kháp ti pháp lang thật là phồn thịnh mà thời kỳ trước đó chưa hề có được; không chỉ vượt bậc về qui mô và sản lượng, mà còn ở việc sử dụng rộng rãi, kỹ thuật siêu đẳng, hình dáng mới mẻ, chủng loại phong phú; hình thức trang trí cùng màu men pháp lang đều thể hiện đặc trưng của giai đoạn phồn thịnh, có ảnh hưởng sâu sắc đối với việc sản xuất sau này. Sản phẩm Kháp ti pháp lam sử dụng trong cung dùng ở thời kỳ này, chủ yếu do ba nơi sản xuất là Pháp lang tác ở Tạo biện xứ (Bắc Kinh), Quảng Châu và Dương Châu. Các sản phẩm trần thiết ở điện Thái Hòa trong Cố Cung như đỉnh, lư trầm, tiên hạc bằng Kháp ti pháp lang, đều được chế tạo vào đời Càn Long. 12 tòa tháp cao lớn bằng Kháp ti pháp lang trưng bày tại Cố Cung, ở lầu Phạn Hoa thuộc hoa viên Càn Long, ở lầu Bảo Tướng thuộc hoa viên Từ Ninh, mỗi tòa cao 238 cm đều do xưởng pháp lang thuộc Tạo biện xứ làm vào năm Càn Long thứ 39 (1774) và năm Càn Long thứ 47 (1782). Hình dáng các tháp khác nhau; màu men cũng không giống nhau, đồ án trang trí rất biến hóa. Toàn thể thân tháp cấu trúc rất chặt chẽ, dấu vết chỗ nối không lộ diện; men phủ đầy toàn thân, ít có lỗ rỗ, thể hiện trọn vẹn kỹ thuật cao siêu và tinh vi của Kháp ti pháp lang đời Càn Long, là thành tựu chưa hề có trước đây. So với việc chế tác những sản phẩm có hình thể nhỏ, việc nung tạo sản phẩm kích thước lớn đòi hỏi kỹ thuật cao và phức tạp hơn, cần có những thiết bị đặc biệt. Dưới đời Càn Long, việc nắm bắt và vận dụng được kỹ thuật đối với loại sản phẩm này, có thể nói, đã đạt đến trình độ điêu luyện, nên đã tạo được những món trân phẩm lưu truyền hậu thế trong dòng sản phẩm pháp lang. Hình dáng sản phẩm Kháp ti pháp lang đời Càn Long đều tân kỳ. Tiêu biểu là những món đồ phỏng cổ, cùng những kiểu dáng mới đều có hình thức thể hiện khác với thời trước. Do vua Càn Long ham mê yêu chuộng đồ cổ, nên thường cho chế tạo những chế phẩm pháp lang mô phỏng hình dáng đồ đồng thời cổ đại, tạo ra những đặc trưng điển hình cho pháp lang thời đại này, như: bình rượu, chén, đỉnh, du (bình rượu có miệng hình vuông), cô (chén rượu có miệng hình bát giác), đĩa... mô phỏng hình dạng và họa tiết trang trí trên đồ tự khí ngày xưa, thường thấy trong các sản phẩm Kháp ti pháp lang vào thời kỳ này. Sản phẩm pháp lang tạo hình động vật thời kỳ này gia tăng đột biến, có những tạo hình theo truyền thống như sư tử, hạc; cũng có những tạo hình mới như tê giác, voi, thỏ, thiên nga, dê... khiến kiểu dáng đồ pháp lang đời Càn Long thêm phong phú, sáng tạo.
 
Trong các sản phẩm pháp lang đời Càn Long, có một số ghi hiệu đề Cảnh Thái niên chế. Đó là những sản phẩm mô phỏng Cảnh Thái ngự tiền pháp lang do Tạo biện xứ làm ra theo ý chỉ của vua Càn Long, nhưng thực tế phần lớn đều theo cách thức chế tạo mới, cũng khắc hiệu đề Cảnh Thái niên chế nhưng rất khác biệt so với đồ Cảnh Thái pháp lang thời Minh. Về phương diện công nghệ thì rất điêu luyện, đồ pháp lang thời Minh không theo kịp. Họa tiết trang trí trên đồ Kháp ti pháp lang đời Càn Long tương đối phong phú, không thể không công nhận rằng công nghệ Kháp ti pháp lang đã đạt đến mức độ cao. Bức tranh Minh hoàng thí mã đồ bằng pháp lang còn lưu giữ ở Cố Cung, trên đó khảm chỉ đồng hình người và ngựa rất sinh động. Màu men thời kỳ này cũng tăng thêm nhiều. Men màu hồng phấn trở thành màu đặc trưng cho pháp lam thời kỳ này. Thân cốt rất mẫu mực, hình dáng tuyệt đẹp, chỉ khảm trên cốt, dù thô hay mảnh, đều uyển chuyển, men phủ đầy đặn, sắc men sáng đẹp, lớp mạ óng ánh. Một số sản phẩm có kỹ thuật dát khảm khá tân kỳ. Không sản phẩm nào là không thể hiện thành tựu huy hoàng của công nghệ Kháp ti pháp lang cốt đồng đời Càn Long.
 
b. Họa pháp lang:
 
Sản xuất Họa pháp lang đời Càn Long dựa trên nền tảng công nghệ pháp lang đời Khang Hi và Ung Chính, nhưng có những sáng tạo và đột phá. Họa pháp lang thời này chủ yếu sản xuất ở ngự xưởng của triều đình ở Bắc Kinh và ở Quảng Châu. Những bậc thầy về Họa pháp lang ở ngự xưởng thuộc Tạo biện xứ ở kinh đô, phần lớn từ Quảng Châu đến, nhưng chế phẩm thì hoàn toàn chế tác theo ý chỉ của vua. Về nghệ thuật thì công phu, kỹ càng, họa pháp đã tinh xảo lại cố gắng thêm phần tinh xảo; phong cách hoàn toàn tao nhã; thường hay dùng màu vàng tươi làm nền để vẽ các họa tiết hoa cỏ. Đề tài trang trí thường là những họa tiết truyền thống, nội dung chủ yếu ngụ ý cát tường 
 
và trường thọ, hoàn toàn thể hiện phong vị hoàng gia. Chiếc lư Họa pháp lang vẽ hoa cỏ; cái giá mũ Họa pháp lang vẽ hình hoa cỏ đều là những sản phẩm điển hình do Tạo biện xứ của triều đình chế tác. Vào đời Càn Long, kỹ nghệ Họa pháp lang ở Quảng Châu cũng rất phát triển. Đốc phủ Quảng Đông vẫn tiếp tục tuyển những bậc thầy về kỹ thuật chế tác Họa pháp lang đưa vào Tạo biện xứ ở điện Dưỡng Tâm, đồng thời, cũng cung tiến những nguyên liệu pháp lang nhập khẩu hoặc do Quảng Châu chế tạo ra. Người Quảng Đông là thành phần chủ lực trong Pháp lang tác thuộcTạo biện xứ ở cả ba triều Khang Hi, Ung Chính và Càn Long, có tác dụng quyết định đối với việc phát triển và nâng cao công nghệ Họa pháp lang. Pháp lang chế tác tại Quảng Châu, do ảnh hưởng phong cách văn hóa phương Tây. Phong cách này đương nhiên khác với hình thức Nội đình cung tạo (đồ làm dâng cho triều đình), đã phản ảnh mối giao lưu đặc sắc giữa văn hóa Trung Hoa và Tây phương. Người Quảng Châu, ngoài việc làm pháp lang cho triều đình, còn chú trọng làm nổi bật đặc điểm của pháp lang ở địa phương mình. Hình dáng sản phẩm ngày mỗi lớn dần; phong cách họa tiết mang đậm bản sắc vùng Trung Âu, thịnh hành lối vẽ mô phỏng phụ nữ và trẻ em phương Tây, hoặc vẽ hoa cỏ tùy thích, cùng phong cảnh sơn thủy lâu đài kiểu Tây phương; dùng các đơn sắc đỏ, lam theo thủ pháp sơn thủy, là điều chưa từng thấy trên pháp lam ở các triều đại trước. Đó là những đặc điểm của pháp lang Quảng Châu, hình thành và biến đổi do ảnh hưởng nghệ thuật pháp lang họa(painted enamel) và lối vẽ tranh sơn dầu của Âu châu. Vào đời Càn Long ảnh hưởng này càng rõ rệt. Chén pháp lang có họa tiết thiếu nữ phương Tây;(13) bình pháp lang họa tiết hoa hải đường vẽ theo lối sơn thủy(14) là những sản phẩm mang đậm phong cách phương Tây. Cũng có những món đồ Họa pháp lang nhưng lại mô phỏng Kháp ti pháp lang, khắc dát họa tiết hoa văn luân quách(15) để tạo hiệu quả thẩm mỹ, hoa văn xinh đẹp, nét bút uyển chuyển, hình dáng đặc biệt tạo vẻ lập dị. 
 
c. Tạm thai pháp lang và Thấu minh pháp lang:
 
Ngoài những sản phẩm Kháp ti pháp lang và Họa pháp lang, Tạm thai pháp lang cũng rất thịnh hành ở Quảng Châu, vốn là nơi có chất lượng cũng như số lượng Tạm thai pháp lang xếp hàng đầu vào thời Thanh. Chạm trổ tỉ mỉ công phu, màu men nhã mà đẹp. Ngoài những sản phẩm kích cỡ lớn, phong cách vượt trội, còn có những sản phẩm kích thước trung bình và nhỏ. Tạm thai pháp lang còn được chế tạo ở Bắc Kinh và Dương Châu. Việc phát triển kỹ nghệ Tạm thai pháp lang liên quan mật thiết đến sự du nhập ồ ạt các sản phẩm Họa pháp lang và đồ mỹ nghệ chạm vàng của Âu châu. Tại Cố cung Bắc Kinh hiện còn tồn trữ một cặp lư xông trầm Tạm thai pháp lang hình con voi,(16) tinh xảo công phu, do tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Đãi Nghiêu tiến cung vào năm Càn Long thứ 41 (1776), kích cỡ to lớn, minh chứng cho trình độ công nghệ Tạm thai pháp lang của Quảng Châu.
 
Công nghệ Thấu minh pháp lang ở Quảng Châu cũng hết sức tinh xảo, sản phẩm có chậu rửa mặt, đồ ngũ cung… Công nghệ Thấu minh pháp lang của Quảng Châu thường thể hiện bởi những hoa văn gợn sóng chạm chìm dưới lớp men pháp lang, lại dát thêm vàng bạc. Trong đó, loại pháp lam màu xanh khảm vàng lá là nổi bật nhất, có vẻ đẹp hút hồn người thưởng ngoạn. Loại Thấu minh pháp lang dát hoa bằng vàng bạc này chỉ sản xuất tại Quảng Châu, cho nên cũng gọi là Quảng pháp lang. Chiếc bình Thấu minh pháp lang dát vàng trên nền cẩm văn(18) vẽ họa tiết hoa cỏ thuộc vào loại này. Loại Thấu minh pháp lang này đương thời do kỹ nghệ Thấu minh pháp lang ở Âu châu truyền đến, tuy vậy hiện chưa có tư liệu nào ghi chép việc này. Công nghệ làm pháp lang nói trên đã tạo nên cảnh tượng trăm hoa đua sắc, đánh dấu sự phát triển công nghệ pháp lang đã đạt đến đỉnh cao.
 
Các hiệu đề trên những sản phẩm pháp lang đời Càn Long rất đa dạng về phong cách. Đồ Kháp ti pháp lang, phần lớn khắc chìm hoặc nổi các hiệu đề Càn Long niên chế, Đại Thanh Càn Long niên chế, theo kiểu chữ khải hoặc phỏng theo kiểu chữ đời Tống ở dưới đáy sản phẩm; phía ngoài hiệu đề có kẻ hai đường song song tạo thành khung vuông hay vòng tròn kép, hoặc đôi khi có hai con rồng hay hai con li bao quanh. Hiện vật tạo hình hình chim muông hay động vật thường khảm mảnh đồng khắc chìm hoặc nổi các chữ Càn Long niên chế, Đại Thanh Càn Long niên chế ở phần thân phía trên, đôi khi cũng có hiệu đề Càn Long phong cổ, khắc kiểu chữ khải. Cá biệt, cũng có hiệu đề ghi ở trên phần chân phía trước hoặc phía sau sản phẩm. Vị trí hiệu đề thể hiện tương đối nhiều nơi trên hiện vật; kiểu chữ cũng đa dạng. Sản phẩm Họa pháp lang đời Càn Long phần lớn có ghi hiệu đề, đa phần ở dưới đáy vật. Thường hay gặp hiệu đề có khung là một hay hai đường kẻ, bên trong viết các chữ: Càn Long niên chế, Đại Thanh Càn Long niên chế bằng màu lam hoặc màu đỏ, kiểu chữ khải, hoặc phỏng theo kiểu chữ đời Tống, đôi khi viết chữ triện;hoặc có hình hai con li bao quanh hiệu đề màu đỏ.
 
Ba triều Khang Hi, Ung Chính, Càn Long là thời kỳ Thái bình thịnh thế(17) nổi danh trong lịch sử. Trong hơn 100 năm, công nghệ mỹ thuật thời Thanh, trong đó có công nghệ pháp lang, với quá trình không ngừng dung hợp nhiều yếu tố dân tộc, truyền thống và ngoại lai, đã có những bước phát triển sáng tạo, đưa đến sự phồn thịnh đỉnh cao của công nghệ mỹ thuật vào đời Càn Long, hình thành phong cách trang nhã hoa lệ, làm nên một trang huy hoàng trong lịch sử công nghệ mỹ thuật Trung Hoa.
 
9. Pháp lang cuối thời Thanh:
 
Cuối thời Thanh do mâu thuẫn gay gắt giữa các giai cấp trong nước, chủ nghĩa đế quốc đã thâm nhập và xâm lăng. Công nghệ mỹ thuật cũng bị hủy hoại rất nhiều. Dưới triều Gia Khánh (1796 - 1820), việc làm Kháp ti pháp lang đã bắt đầu suy thoái. Số lượng sản phẩm pháp lang thời này còn lại không nhiều, phần lớn là chén đĩa. Kỹ thuật chế tác không tinh, trình độ không cao. Đến đời Đạo Quang (1821 - 1850), sản phẩm Kháp ti pháp lang hầu như không thấy đạt đến mức độ như trước. Từ đời Hàm Phong (1851 - 1861) về sau, xã hội nhà Thanh đã biến thành “nửa thực dân, nửa phong kiến”, công nghệ pháp lang càng trở nên sa sút. Việc sản xuất pháp lang ngày càng bị ngưng trệ, khiến kỹ thuật thất truyền. Trong bối cảnh nửa thực dân, nửa phong kiến” ấy, do sản phẩm pháp lang từng được người phương Tây coi trọng một thời, nay đã kích thích phát triển sản xuất ở nhiều nơi trong dân gian. Một số cửa hàng tư nhân ở Bắc Kinh như Lão Thiên lợi, Tĩnh Viễn đường,Chí Viễn đường, lập cơ sở sản xuất Kháp ti pháp lang, nên kỹ nghệ pháp lang vẫn duy trì ở mức độ nhất định. Kháp ti pháp lang thời kỳ này phỏng theo phong cách đời Càn Long, chế tạo công phu, mặt men mài bóng, nét khảm uyển chuyển, họa tiết trang trí phần lớn là hoa cỏ, chim muông. Hiệu đề ở đáy sản phẩm phần lớn ghi tên các cửa hiệu như Lão Thiên lợi chế, Tĩnh Viễn đường chế... Song trên thực tế không thể nào so được với diện mạo và phong cách của Kháp ti pháp lang đời Càn Long. Về công nghệ thì chuộng vụn vặt, thân cốt pháp lang thanh mảnh; màu sắc nhợt nhạt, không đủ sức thu hút về mỹ thuật như đồ Kháp ti pháp lang đời Càn Long. Do tài lực đất nước suy thoái, việc chế tạo pháp lang đã đến đường cùng, sự phồn vinh và huy hoàng đã trở thành lịch sử.
 
 
Tin tức mới nhất
Tin cùng loại
     
 
Quý khách nhận được sản phẩm nhưng không vừa ý - Không hài lòng về sản phẩm và chất lượng phục vụ. Gọi ngay 0914.666.284
 
Nội Dung Đã Được Đăng Ký Giữ Bản Quyền DMCA ®​

Showroom: 35A Huỳnh Văn Bánh - Phường 17 - Quận Phú Nhuận - TP.HCM
Điện thoại: 028.66.535.888/0914.666.284 - Mrs.Trang - email: phongthuyvadoisong@gmail.com
 
Phiên bản Mobile